Những điều cần tránh mắc phải trước khi nộp hồ sơ xin việc

Ví dụ: “Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là hướng đến vị trí cấp cao trong lĩnh vực quản lý nhân sự để đón nhận nhiều cơ hội và thách thức. Nó cho phép tôi phát huy tối đa kiến thức và kinh nghiệm của mình trong ngành tư vấn và tuyển dụng nhân sự”


Trong biển người tìm việc hiện nay, rõ ràng để được nhà tuyển dụng chú ý, bạn cần tạo được một hồ sơ xin việc thật hoàn hảo. Thế nhưng, bạn thường chỉ chú trọng đến một số yếu tố chính mà quên đi những “sát thủ” thầm lặng khiến hồ sơ của bạn bị rơi vào quên lãng. Để hồ sơ của bạn “ăn điểm” so với các ứng viên khác, bạn cần tránh 6 điều tối kỵ sau.

Điều 1: Mục tiêu nghề nghiệp không ấn tượng

Mục tiêu nghề nghiệp xuất hiện ở phần đầu của hồ sơ xin việc, là mục đầu tiên thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Nó mang nặng sứ mệnh tiếp thị và giới thiệu bạn thật ấn tượng đến nhà tuyển dụng. Đó không chỉ là mục tiêu nghề nghiệp của bạn mà còn là điều mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Vì vậy, bạn nên nghiên cứu thật kỹ phần “Mô tả công việc” trên tin tuyển dụng để biết nhà tuyển dụng cần gì và viết mục tiêu nghề nghiệp cho phù hợp.

Ví dụ: “Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là hướng đến vị trí cấp cao trong lĩnh vực quản lý nhân sự để đón nhận nhiều cơ hội và thách thức. Nó cho phép tôi phát huy tối đa kiến thức và kinh nghiệm của mình trong ngành tư vấn và tuyển dụng nhân sự”

Điều 2: Sai ngữ pháp và chính tả

Hồ sơ xin việc giúp bạn tạo ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng. Chỉ cần một lỗi đánh máy cũng có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn là người bất cẩn. Vì vậy, không chỉ kiểm tra bằng chế độ “spelling and grammar” của MS Word, bạn nên nhờ người quen đọc lại hồ sơ để chắc rằng bạn không mắc bất kỳ lỗi chính tả hay ngữ pháp nào.

Điều 3: Sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất

Trong hồ sơ xin việc, bạn đừng sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “Tôi”. Thay vì viết “Tôi theo dõi, giám sát và thực hiện công việc thư ký hành chính”, bạn hãy viết là “Theo dõi, giám sát và thực hiện công việc thư ký hành chính.” Bạn chỉ sử dụng đại từ nhân xưng trong phần “Mục tiêu nghề nghiệp” và Thư tìm việc mà thôi.

Điều 4: Không sử dụng động từ

Bạn nên tránh những cụm từ như “chịu trách nhiệm làm hợp đồng”, “chịu trách nhiệm dự án,…”. Bạn cần sử dụng động từ để mô tả bạn đã hoàn thành công việc như thế nào. Vì thế, bạn hãy viết “Theo dõi, quản lý và sắp xếp các hợp đồng, văn bản và tất cả hồ sơ liên quan đến quy định pháp luật…” trong hồ sơ xin việc.

Điều 5: Bỏ qua thành tích đạt được

Người tìm việc thường mô tả quá chi tiết các công việc đã làm trong hồ sơ xin việc. Thế nhưng, nhà tuyển dụng còn muốn biết bạn đã đạt được thành tích gì trong công việc trước đây. Vì vậy, hãy tránh trình bày trách nhiệm công việc theo kiểu chung chung như “Cập nhật thông tin của các phòng ban”. Bạn cần trình bày thành tích đã đạt được để hồ sơ của bạn nghe thuyết phục và nêu bật được khả năng của bạn.

Ví dụ: Có thể viết là “Theo dõi, quản lý và sắp xếp các thông tin lưu trữ cách đây 10 năm một cách hệ thống, giúp các phòng ban tham khảo nhanh chóng và dễ dàng”.

Điều 6: Thông tin liên lạc không chính xác

Hồ sơ của bạn tạo ấn tượng rất tốt và nhà tuyển dụng quyết định mời bạn dự phỏng vấn. Tuy nhiên, thông tin liên lạc của bạn lại không đúng. Hoặc bạn lại đề một địa chỉ email nghe không nghiêm túc chút nào như bupbe264@gmail.com. Tất cả những lỗi không đáng này sẽ lấy đi cơ hội có được việc làm mơ ước của bạn. Vì vậy, bạn cần nêu thông tin liên lạc thật chính xác và rõ ràng để nhà tuyển dụng có thể liên lạc dễ dàng với bạn.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *